Tin mới

Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2020

Những sai lầm thường gặp của người mới tập bơi

 Vấn đề thứ 1: Bạn thở khó khăn và rất nhanh chóng bị cảm giác hết hơi

Kinh nghiệm nhiều năm huấn luyện cho thấy vấn đề là bạn “qúa vội vã” trong động tác của mình, bạn làm mọi thứ nhanh nhanh vì sợ. Bạn sợ làm chậm thì sẽ bị chìm nên dẫn đến quạt tay quá nhanh bỏ qua kỹ thuật động tác và không đủ thời gian để hít thở. Làm động tác chậm lại, nếu cần thì bơi với 1 cái ván cầm phía trước để buộc mình bơi “chờ tay” để có đủ thời gian hít hơi.
Bạn hãy tập cách hít sâu, nuốt vào phổi, chứ không chỉ hít hơi vào miệng.
Bạn đừng quên thở ra dưới nước, nếu bạn thở ra và hít vào luôn 1 lúc trên không sẽ làm cho đoạn thở trên không dài ra và bạn không đủ thời gian để hít hơi vào 1 cách đầy đủ. Bạn phải hít thở theo cách: dưới nước thở ra (thở ra liên tục trong quá trình mặt ở dưới nước) trên không hít vào.

Vấn đề 2: Bạn bị rối động tác, làm tay quên chân, làm chân quên tay

Bạn hãy cho phép mình có nhiều thời gian hơn để làm quen với động tác mới. Nghĩa là tập 1 động tác lập đi lập lại cho cơ thể hình thành phản xạ, khi đó bạn không cần nghĩ nhiều thì cơ thể vẫn tự nó làm được.
Bạn chỉ nên chú ý để sửa chữa 1 lỗi 1 lần, đừng tham lam sửa 1 lúc vừa tay vừa chân vừa thở, bạn sẽ không kiểm soát được và dẫn đến không làm cái nào ra hồn. Chỉ chú ý sửa 1 thứ vào 1 thời điểm và tạm chấp nhận những cái khác còn đang sai hoặc mang thêm vật hỗ trợ như chân vịt, phao chẳng hạn. Chính vì vậy, ở Boidapchay Coaching, các HLV luôn khuyên bạn tập trung sửa một động tác trong một buổi. Kể cả chân bạn có đập sai, người có không thẳng nhưng sau buổi đó tay vào nước chuẩn thì cũng là thành công.


Vấn đề 3: Bạn không nhìn rõ.

Kính bơi của bạn bị mờ sương, bị vào nước, bạn thấy thật khó chịu. Bạn nên đầu tư vào 1 cái kính tốt, và 1 chai rửa kính anti fog. Kính tốt không hẳn là 1 cái kính mắc tiền nhất, mình đã từng toàn mua những cái kính dạng racing top range nhưng cuối cùng lại yêu nhất cái kính View nhìn rất ngố nhưng thật rõ và sáng và không vết hằn quanh mắt.
Đối với nữ, bạn nên đội nón bơi, vừa bảo vệ tóc vừa ko bị tóc loà xoà vào mặt.
Chọn bơi ở hồ có dây phao và đường kẻ rõ dưới đáy hồ để học cách bơi thẳng thớm.


Vấn đề 4: Bạn lo lắng về tốc độ bơi

Vâng, tất cả chúng ta tập thể thao để “nhanh hơn – cao hơn – xa hơn” nhưng nó đòi hỏi phải có sự đầu tư về thời gian lẫn tài năng thiên bẩm. Hãy cứ thoải mái, cho phép mình học cách điều khiển, kiểm soát cơ thể, bơi với pace của riêng mình.
Bạn càng lo lắng thì bạn càng có xu hướng vội vã, điều này có hại hơn có lợi vì tất cả kỹ năng bạn đang học kia chưa trở thành phản xạ vô điều kiện, bạn sẽ dễ dàng mất nó và sai hết kỹ thuật.


Vấn đề 5: Bạn tự ti

Bạn đến hồ bơi và bắt đầu nhìn xung quanh, ồ bạn này bơi nhanh thế, ồ cô kia bơi đẹp nhỉ rồi cảm thấy tự ti vì mình chưa bơi được tốt như họ. Bạn đừng sợ vì ai cũng có giai đoạn bắt đầu giống bạn mà thôi, hãy tự nhủ vài tháng nữa mình sẽ chén hết đám loi nhoi này!
Tuy nhiên nếu bơi ở hồ bơi có chia theo tốc độ, hãy thành thật chọn tốc độ phù hợp với bản thân vì nếu bạn bơi cùng ô với người bơi quá nhanh bạn sẽ trở thành vật cản của họ.

Vấn đề 6: Bơi không mục đích rõ ràng.

Điều cuối cùng này áp dụng cho tất cả mọi người chứ không riêng các bạn newbie. Bạn có những buổi tập chỉ xuống nước và nói với bản thân hôm nay mình sẽ bơi 20 vòng, bạn lầm lũi bơi hết 20 vòng xong đi lên mà không hề biết là mình tiến bộ ở đâu hay sai chỗ nào hay hôm nay mình tập có tác dụng gì?
Nếu là newbie, đang tập bơi, bạn hãy tự nhủ kiểu như “hôm nay mình sẽ tập lại cái thở, xong sau đó là động tác tì nước” sau khi tập bạn tự hỏi hôm nay 2 món đó mình tiến bộ hơn chưa?
Là người tập có kinh nghiệm, ngoài tự nhủ về kỹ thuật, bạn nên biết hôm nay mình tập cho vùng (zone) nào, tăng sức bền hay sức mạnh hay bước bơi thi đấu… Điều này nên cần có sự giúp đỡ của các chuyên gia và HLV có kinh nghiệm hoặc bạn theo sát 1 chương trình tập đã được thiết kế tỉ mỉ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét